Ông lão Triệu Hiền Thành ngồi bên cạnh cái giỏ mây cho biết người nằm trong giỏ là vợ ông – bà Ðường Kim Tú. Ông nói: “Ngày trước, bà ấy cao 1m69, nặng 54kg. Giờ đây chỉ còn 24kg rưỡi, cao không tới 0.7m.”
Thật khó mà hình dung được bà lão đang cuộn tròn kia đã từng là một phụ nữ cao ráo, cân đối. Ông Thành kể: “Năm 1963, vợ tôi mới 27 tuổi. Một hôm đi làm đồng về bà ấy than đau mắt cá. Qua hôm sau, đầu gối cũng bắt đầu đau nhức. Sau đó, cả chân, tay, vai đều đau thốn như bị ai rút gân vậy. Chỗ nào đau thì chỗ đó bắt đầu co rút lại. Bà ấy đau đến nỗi cứ khóc suốt. Tôi đã đưa bà ấy đi khám nhiều bác sĩ.”
Hầu hết đều cho rằng bà mắc bệnh phong thấp. Nhưng càng uống thuốc, bệnh tình bà càng nặng, thân thể ngày càng teo lại. Các khớp xương bị phù gây đau nhức rồi biến dạng. Ðến lúc này ông Thành biết vợ mình mắc phải bệnh nan y.
“... Lỗi tại tôi cả. Vợ vừa mới sinh chưa đầy một tháng đã phải ra đồng làm việc, cứ ngâm mình trong nước mãi... Rồi tôi lại không đủ tiền cho bà ấy chữa bệnh. Mỗi lần khám tốn những 30 đồng.”
Vào những năm ấy, 30 đồng đối với một nông dân Trung Quốc là một số tiền rất lớn.
thời kỳ đầu mới phát bệnh, Ðường Kim Tú không ra đồng làm việc được nhưng có thể nửa nằm nửa ngồi bế con. Ba năm sau bà bị căn bệnh quái ác làm cho biến dạng, toàn thân không thể duỗi thẳng, không thể cử động được nữa. Chỉ có cái đầu là còn động đậy. Từ đó, bà sống nửa đời còn lại trong cái giỏ mây của ông chồng. Ăn uống, tiêu tiểu... thảy đều do chồng săn sóc.
“Trước đây con gái giúp tôi một tay”, ông nói. Nhưng đến năm 23 tuổi, Triệu Kim Hoa, con gái ông, mắc bệnh viêm màng não rồi qua đời. Cái chết của Kim Hoa là một cú sốc cho vợ chồng ông. Tinh thần của bà Kim Tú ngày càng suy sụp...
Năm 1993, ông Thành quyết định rời quê nhà đi tìm cuộc sống mới. Ông đặt vợ vào một cái giỏ mây, tự mình gánh đi. Một người đồng hương viết lại hoàn cảnh khốn khổ của họ và bệnh của bà Kim Tú lên một tấm giấy lớn cho họ mang theo qua khắp các tỉnh thành của Trung Quốc.
Bà Kim Tú kể: “Chúng tôi đã qua 8 tỉnh rồi: Hồ Nam, Giang Tây, Triết Giang, Phúc Kiến... hôm nay mới đến được Phiên Ngung này”. Tuy thân thể bị teo nhỏ nhưng giọng của bà vẫn còn trong trẻo, đầu óc hãy còn minh mẫn.
“Ði khắp nơi để kiếm sống đương nhiên là không dễ chịu rồi. Nhưng buồn nhất là phải chịu đựng ánh mắt soi mói của mọi người.” Hồi ở Quý Châu, có một tạp chí bảo tôi mang vợ ra cho người ta chụp ảnh chung, họ sẽ cho tôi tiền nhưng tôi từ chối. Tôi thà đi ăn xin chứ nhất quyết không làm chuyện ấy. Có thời gian, mỗi ngày chúng tôi kiếm được bảy, tám chục tệ. Hôm nào may mắn, được hơn cả trăm tệ...”
Qua bao gian khó, ông Thành vẫn cứ gánh vợ bên mình, như là một bảo vật ông phải gìn giữ.
“Chúng tôi hai người cùng khổ, nhất định phải ở bên nhau rồi” – ông Thành vừa vắt khăn lau cho vợ, vừa tiếp tục câu chuyện. “Năm tôi lên 6 gặp cảnh mất mùa, cha mẹ đem tôi bỏ ngoài đường. Tôi phải đi làm thuê, chăn bò... để kiếm miếng ăn. Sau có người mai mối tôi với vợ tôi bây giờ. Còn vợ tôi, mới lên 3 thì cha mất, mẹ cải giá, dượng ghẻ đối với bà ấy không tốt lắm...” Ông nhìn vợ trìu mến: “Tôi không thể bỏ vợ được! Nếu bà ấy mà chết trước tôi không biết sẽ ra sao nữa!” Bà Kim Tú nằm trong giỏ nghe được câu nói tình cảm của chồng cũng bật cười: “Ðúng vậy! Nếu chẳng may ông ấy mà chết trước tôi cũng không thiết sống nữa!”
Bà nói tiếp: “Nhiều năm trước tôi từng nghĩ đến cái chết. Nhưng tôi chạnh nghĩ đến chồng, đến chị và em trai tôi còn ở quê nhà, tôi lại không muốn chết nữa. Ông ấy gánh tôi trên vai ba mươi năm, vất vả vô cùng. Tôi biết mình thật vô dụng. Những gì ông ấy đối với tôi, không thể một câu là kể hết được!”
Nói đến đây, bà khóc. Ông Thành lau nước mắt cho vợ, vỗ về: “Ðừng khóc nữa, mai chúng ta về quê...”
Họ ra bến xe Quảng Châu. Chuyến xe chiều ấy sẽ đưa họ về lại cố hương Tứ Xuyên. Nhìn cảnh ông già 60 tuổi gánh trên vai bà vợ 61 tuổi, lẻ loi ở bậc cửa xe, không ai mà không thấy xót xa...